VE CHAI - NHỮNG VẬT DỤNG CHỨA ĐỰNG CẢM XÚC LINH THIÊNG
Đêm 30 Tết tôi trên chiếc xe honda chạy dọc trên những con đường của Sài Gòn, một cô gái bé nhỏ bị bỏ lại giữa lòng Sài Gòn hoa lệ một mình vì lỡ chuyến xe cuối cùng về quê. Loanh quanh nơi phố thị, tôi bắt gặp hình ảnh một ông cụ vô gia cư chạc chừng 70, 80 tuổi đang lụ khụ đi từng bước nhặt lượm những chiếc chai nhựa, những lon bia được bỏ đi trên đường phố…
Với cuộc sống của một sinh viên sống xa nhà trên Sài Gòn, tuy phải chật vật với việc vừa đi làm thêm vừa đi học, những đầu việc này đôi khi cũng khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và áp lực, nhiều khi trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ "từ bỏ tất cả" , nhưng chính khoảnh khắc ngày hôm đó, cái khoảnh khắc khiến cho tim tôi bị nghẹn lại…
Tôi thường trách gia đình tại sao không chu cấp cho tôi giống như bạn bè trang lứa, được thoải mái vui chơi và học hành mà không bận tâm đến chuyện tiền nong… Có lẽ đây là hành động ích kỷ nhất của bản thân tôi, tôi chỉ muốn được trở về nhà ngay lúc này và ôm lấy ba mẹ mà nói lời xin lỗi, xin lỗi vì bấy lâu nay đã không nhận ra được gánh nặng trên đôi vai của cha mẹ.
Đôi khi chúng ta luôn chạy theo những khát vọng hay mục tiêu mà bản thân mình đề ra mà không chịu một lần ngoảnh đầu nhìn lại, nhìn lại để biết rằng mình đang được đầy đủ, đầy đủ ba mẹ, đầy đủ anh chị em, đầy đủ những bữa cơm hàng ngày…
Ve chai là những vật dụng không còn giá trị với người này, nhưng lại là thứ đồ mang lại nhiều giá trị cho người khác, thậm chí nó còn được dùng để tạo lên cả một ngôi chùa, một ngôi chùa mà khi ai đến Đà Lạt cũng dành thời gian để ghé tới.
Dấu ấn về ngôi chùa "Ve Chai" của cô bé đam mê du lịch.
Là một cô bé với niềm đam mê được đi đến những mảnh đất linh thiêng và kỳ bí của Việt Nam. Niềm đam mê này đã giúp tôi được khám phá những địa điểm trải dài từ Nam ra Bắc, nhưng hơn tất cả - Đà Lạt là nơi để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tôi.
Mọi người thường đến Đà Lạt vì sự mộng mơ, lãng mạn hay sự hào nhoáng của nơi thành phố sương mù. Còn với riêng tôi, dấu ấn sâu sắc để lại là một ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt đặc biệt không phải do sự xa hoa, lộng lẫy mà đơn giả là vì những kiến trúc ở đây được khảm từ hàng triệu mảnh "ve chai" do đích thân các sư thầy đi thu gom về. Ngôi chùa ấy mang tên Chùa Linh Phước hay người dân quanh vùng vẫn hay quen gọi với cái tên "Chùa Ve Chai".
Việc thu thập một số lượng lớn ve chai để xây dựng chùa không phải là một việc dễ dàng. Mất hơn 20 năm ròng rã ngôi chùa mới được hoàn thành, một phần công sức không nhỏ trong đó là nhờ có các sư thầy và ni cô trong chùa đã đến từng nhà dân và các nhà máy rượu trong vùng để thu gom ve chai.
Ve chai sau khi thu lượm về sẽ chưa được sử dụng ngay mà cần phải được làm sạch sau đó cắt bỏ đầu đầu và đuôi đi.
Để có thể cắt chai bằng thủy tinh, các thầy sư đã nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, người thợ mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miểng với hình thù khác nhau và khảm lên các kiến trúc trong chùa. Mọi công đoạn đều phải hoàn toàn làm bằng tay, không có máy móc hay thiết bị hiện đại, từ chính mồ hôi và công sức của con người.
Ngôi chùa Linh Phước có thể sẽ không ấn tượng bởi những nét đẹp “hào nhoáng bên ngoài” nhưng nó để lại dấu ấn ở mỗi người bởi cách mà người ta đã tạo ra nó. Những vật dụng được coi là không có giá trị thông qua những “đôi bàn tay phi thường” đã trở thành một kiệt tác.
Chính chúng ta, đôi khi cũng đã được nhào nặn lên từ những đôi bàn tay cao cả, nhờ đôi bàn tay đó chúng ta từ một đứa trẻ chỉ biết cất tiếng khóc khi chào đời được trở thành một doanh nhân, một giám đốc, một kỹ sư…
Suy cho cùng, một thứ được coi là có giá trị hay không lại không nằm ở bản thân của chính nó, mà hoàn toàn ở cách người ta sử dụng nó.
Trên đây là câu chuyện đến từ trải nghiệm của một cô bé du lịch, những câu chuyện này đều xuất phát từ những vật dụng vô cùng nhỏ bé nhưng lại mang đến những cảm nhận khác biệt với từng người.