Ở vùng núi giáp ranh giữa Burma (Myanma) và Thái Lan, những người phụ nữ nở nụ cười thánh thiện, đầu của họ như “nổi” trên cột vòng bằng đồng, cổ thì được kéo dài hết mức có thể.
Những phụ nữ Kayan có thể đeo tới 25 chiếc vòng trên cổ, nhưng nếu tháo ra thì cổ của họ có thể bị gãy bất cứ lúc nào. Họ luôn cho rằng cổ càng cao thì càng thể hiện vẻ đẹp cao quý và sự giàu có của gia đình.
Không giống với bất kỳ phụ nữ nào khác trên thế giới, các cô gái Kayan thích “làm đẹp” theo cách truyền thống của bộ tộc. Họ không chỉ đeo thật nhiều vòng đồng lên cổ mà còn đeo hai bên tay và chân, nhưng nổi bật nhất vẫn là chiếc cổ “hươu” ngất ngưởng.
Từ xa xưa, bộ tộc này là được gọi là thổ dân Khumlen, bộ tộc Padaung (còn thường gọi là người Kayan), thuộc dân tộc Kareni, ngôn ngữ thuộc nhóm Miến - Tạng, có nguồn gốc cổ xưa tại đất nước Myanmar. Người ta thường biết đến bộ tộc này nhiều hơn với cái tên “người cổ dài”.
Những chiếc vòng cổ, hay chính xác hơn là cuộn vòng bằng đồng có thể nặng tới 10kg, sẽ được đeo lên cổ gái ở tộc người Kayan. Các bé gái 2-5 tuổi sẽ được đeo những chiếc vòng cổ đầu tiên. Mỗi năm trôi qua, đồng nghĩa số lượng vòng cổ tăng lên. Như vậy, khi đến tuổi 20, ít nhất khoảng 23 chiếc vòng đồng xếp dày đặc trên cổ các cô gái. Kỷ lục của phụ nữ Kayan là đeo được 37 chiếc vòng trên cổ.
Ngoài ra, những bé gái Kayan cũng phải đeo vòng đồng vào chân, tay chỉ vì mục đích để chân, tay không to thêm và luôn giữ được đôi chân nhỏ nhắn như khi lên 5. Đó mới được xem là vẻ đẹp vĩnh cửu.
Về nguồn gốc của hủ tục này, truyền thuyết của người Kayan kể lại rằng, từ xưa, rất xưa rồi, tộc trưởng đã nằm mơ và ông được điềm báo trước rằng vào ngày thứ 4 khi con tộc trưởng sinh ra, một con hổ đã xuất hiện, nó tấn công nhiều người dân và đều cắn gãy cổ họ. Từ đó, ông quyết định tất cả mọi đứa trẻ sinh ra vào ngày thứ 4 đều phải đeo vòng cổ.
Cũng từ đó, con hổ không tới làng để hại người nữa, nên người Kayan tin rằng chiếc vòng cổ đã có tác dụng. Theo năm tháng, phong tục này trở nên phổ biến, cho tới tận ngày nay nó trở thành một phần cuộc sống của người trong bộ tộc và được xem là điều may mắn. Trên thực tế, nhiều phụ nữ Kayan còn cố gắng để sinh con vào ngày giữa tuần, và nếu đó là một bé gái, thì cô bé đó sẽ là “đứa trẻ thứ 4” may mắn.
Hủ tục này còn tồn tại với lý do bọn buôn nô lệ không còn thấy hứng thú với những cô gái cổ dài. Thực tế những chiếc vòng này không có tác dụng kéo dài cổ mà làm cho xương bả vai bị ép xuống và khiến người ngoài có cảm giác những người phụ nữ này có cổ dài hơn. Trọng lượng quá nặng của chiếc vòng cổ có thể khiến cho những xương sườn trên thấp hơn hẳn 45 độ so với tự nhiên. Tuy nhiên, nếu tháo vòng ra, cổ của phụ nữ Kayan rất dễ bị gãy vì xương cổ của họ lúc này đã quá yếu.
Vẻ đẹp hay gông cùm? Những phụ nữ Kayan hiện đại đang có những suy nghĩ tích cực hơn về cách làm đẹp này. Họ có thể lựa chọn đeo vòng cổ hoặc không.
Theo ione.Vnexpress